ĐOÀN KẾT, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN

Trường THCS Chư Quynh từ khi thành lập đến nay đã và đang khẳng định được vị thế và trở thành một điểm sáng của ngành giáo dục huyện Cư Kuin, được phụ huynh học sinh dành trọn niềm tin yêu. Để có được niềm vinh dự ấy, chúng ta phải kể tới các thế hệ lãnh đạo, đội ngũ giáo viên qua các thời kỳ đã dày công vun đắp, tạo dựng. Trong đó không thể không nhắc đến sự chung tay, góp sức của các tổ chuyên môn. Và tổ Khoa học xã hội cũng rất tự hào vì đã có nhiều đóng góp cho những thành công ấy. Tổ Khoa học xã hội thực sự là nơi gắn kết các thầy cô giảng dạy các bộ môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, do còn thiếu giáo viên nên đa số các thầy cô vừa phải dạy chéo môn, vừa phải kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm. Công việc rất vất vả nhưng với lòng say mê yêu nghề cũng như tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ, động viên nhau nên mỗi thầy cô đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Có thể coi đây là yếu tố tiên quyết tạo nên sức mạnh của tổ. Còn nhớ ngày ấy, người cao tuổi nhất là cô giáo Lê Thị Hữu – giáo viên dạy môn Ngữ văn, cô vừa là đồng nghiệp, vừa là người chị, người mẹ của các thành viên trong tổ. Với những góp ý chân tình, sự chỉ bảo ân cần và truyền dạy kinh nghiệm cô đã tạo được niềm tin yêu, cảm mến của các thành viên, nhất là những giáo viên trẻ tuổi, mới ra nghề… Cùng thế hệ với cô Hữu còn có cô Dương Thị Hà, cô Nguyễn Thị Tâm, cô Lê Thị Bích Nữ, thầy Nguyễn Văn Hùng, cô Nguyễn Thị Tuyết, cô Trần Thị Hoa – Đến nay có người đã nghỉ hưu, có người làm nghề khác, có người đã chuyển trường, có người sắp rời xa bảng đen phấn trắng nhưng mỗi khi nhắc tới tên thầy cô thì biết bao kỉ niệm dấu yêu lại ùa về. Từ việc cùng nhau trao đổi những cách dạy hay, những tài liệu quý dưới gốc cây đến cả những món quà dân dã mà chan chứa tình cảm là những bó rau, những con cá mới bắt được ở ao nhà cho thầy cô giáo ở nội trú. Ôi! Sao mà gần gũi, thân thương đến vậy.

Ảnh – Hoạt động trải nghiệm “Em yêu Văn học dân gian”

Phải chăng, sự gắn bó, tinh thần đoàn kết chính là cội nguồn tạo ra sức mạnh và sự thành công của tổ Khoa học xã hội. Để rồi cùng với sự đổi mới của giáo dục, các thành viên trong tổ lại động viên nhau cố gắng vừa tiếp cận vừa tìm tòi, cải tiến những phương pháp, kĩ thuật dạy học sao cho có hiệu quả nhất. Mặc dù trong tổ có nhiều thành viên đã lớn tuổi song để bắt nhịp với thời đại công nghệ thông tin, các thầy cô đều có chung một suy nghĩ là phải thay đổi. Dần dần từ những trang giáo án viết tay, những bài dạy đơn thuần nhàm chán được thay vào đó là những trang giáo án in máy, những bài dạy trình chiếu trên màn hình sinh động hơn, hấp dẫn hơn. Những tiết thao giảng, những buổi chuyên đề cứ thế liên tiếp diễn ra và các buổi sinh hoạt chuyên môn lại  sôi nổi với những ý kiến đóng góp, xây dựng nhằm cùng nhau trao đổi, đúc rút kinh nghiệm. Đã có biết bao những tiết chuyên đề, những buổi ngoại khóa để lại ấn tượng không chỉ cho giáo viên trong tổ mà còn thu hút sự quan tâm, hứng thú học tập của toàn thể giáo viên cũng như học sinh trong trường. Thay bằng việc chỉ dạy kiến thức trên lớp, các thầy cô đã hướng dẫn các em được đóng vai hay hóa thân vào nhân vật, từ đó liên hệ bản thân, rút ra bài học có ý nghĩa trong cuộc sống. Chẳng hạn như các chương trình ngoại khóa: môn Ngữ văn “Em yêu văn học dân gian”, môn Lịch sử – Giáo dục công dân với chủ đề “Lòng mẹ”,… Không chỉ thay đổi hình thức dạy học mà các thầy cô còn luôn tích cực tìm hiểu, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc soạn giảng. Đã có nhiều thành viên tham gia và đạt giải trong các cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp”, “Thiết kế bài giảng điện tử” do Phòng GD&ĐT Cư Kuin tổ chức như: cô Hưng, thầy Thắng, cô Hằng, cô Cúc, cô Tuyết, cô Thu, cô Hiền,… Có thể nói đồng hành với sự phát triển của nhà trường, tổ Khoa học xã hội đã có một nền tảng vững chắc, đạt được những thành tích rất đỗi tự hào với đội ngũ thầy cô giáo giỏi về chuyên môn nghiệp vụ- gặt hái được những mùa vàng bội thu. Trong tổ đã có nhiều thầy cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp Huyện, cấp Tỉnh như cô Trần Hà, cô Thu, cô Hiền, cô Tuyết, cô Hưng…Và năm học nào cũng vậy tỉ lệ học sinh giỏi các môn do thầy cô trong tổ bồi dưỡng đều đạt kết quả rất cao, được tham gia thi và đạt giải cấp Tỉnh như bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân. Hàng năm, tổ đều được nhà trường tặng danh hiệu tổ Lao động Tiên tiến và được đề nghị Ủy ban nhân dân xã khen thưởng. Đây là thành tích chung cho cả trường nhưng cũng là động lực để mỗi thành viên trong tổ phấn đấu để tổ Khoa học xã hội ngày càng vững mạnh và phát triển hơn nữa. Nhìn lại chặng đường suốt hai mươi bảy năm qua kể từ khi mới thành lập, giờ đây trường THCS Chư Quynh nói chung và tổ Khoa học xã hội nói riêng đã có những bước chuyển mình tích cực. Chúng ta mong muốn và tin tưởng tổ Khoa học xã hội sẽ không ngừng nỗ lực phấn đấu, tiếp tục “Đoàn kết, đổi mới, phát triển” phát huy truyền thống của bao thế hệ thầy cô giáo đã dày công vun đắp để đạt được những kết quả đáng tự hào, góp phần tô đậm thêm truyền thống dạy và học của nhà trường.

Cô Trần Thị Thu – Tổ trưởng tổ KHXH

Các thành viên của tổ khoa học xã hội