E
a Ning là một xã của huyện Cư Kuin, phía Đông giáp xã Cư ÊWi của huyện và xã Ea Knuêc của huyện Krông Pắc; Tây giáp xã Ea Ktur và xã Ea Bhôk; Nam giáp xã Ea Bhôk và xã Ea Hu; Bắc giáp xã Hòa Đông của huyện Krông Pắc. Thành lập vào năm 2007 theo Nghị định số 137/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ Việt Nam về việc điều chỉnh địa giới hành chính, tách huyện Krông Ana thành hai huyện Krông Ana và Cư Kuin, đồng thời Cư Êwi tách thành 2 xã Cư Êwi và Ea Ning.
Có thể nói, xã Ea Ning là một xã thuần nông, địa hình khá phức tạp, diện tích núi đồi chiếm chủ yếu. Xã Ea Ning có 17 thôn buôn, với 10 thành phần đồng bào dân tộc, trong đó có một buôn là đồng bào dân tộc tại chỗ, tổng số hộ dân trên địa bàn là 2.910 hộ, tổng số nhân khẩu gần 12.000 người, dân cư gồm người Kinh chiếm gần 90% dân số. Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Ea Ning đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, chung sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của xã đạt khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ. Xã Ea Ning cũng đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có tiêu chí về giáo dục – với mục tiêu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu dạy – học, quan tâm đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết, sáng tạo trong giảng dạy; chất lượng học tập của học sinh ngày càng đi lên, Chúng ta có thể nhìn thấy sức mạnh văn hóa – xã hội của một địa phương đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hiện đại, nhưng đã, đang và sẽ ngày càng biết trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống. Hệ thống giáo dục ở Ea Ning ngày càng được nâng cao cả về quy mô và chất lượng giáo dục – đào tạo, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo năng lực, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương. Tỷ lệ rất cao người lao động đã qua đào tạo ở Ea Ning là một thành công thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo và chính quyền nhân dân địa phương.
Năm học 2019-2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm cho quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học bị gián đoạn, tuy nhiên các trường học trên địa bàn toàn xã đã thực hiện tốt chỉ đạo của các cấp và khuyến cáo của ngành y tế về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đồng thời đẩy mạnh việc dạy học trực tuyến phù hợp với tình hình thực tiễn… từ đó đảm bảo hoàn thành chương trình năm học. Chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi cao hơn năm học 2018-2019, công tác hoàn thành chương trình Tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS đạt 97,7%; cơ sở vật chất được đầu tư bổ sung, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa và nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng chuyên môn trong công tác giảng dạy. Tổng số cán bộ, giáo viên tại các trường học là 242 người, trong đó quản lý 14, giáo viên 188, nhân viên 40. Trình độ: Đại học 142, cao đẳng 51, trung cấp 35, sơ cấp 6, phổ thông 8. Kết quả học tập: Học sinh giỏi là 687 em chiếm 26,5%, học sinh khá 1.093 em chiếm 42,2%, học sinh trung bình 681 em chiếm 26,3%, học sinh yếu kém là 131 em chiếm 5%. Về hạnh kiểm: Học sinh có hạnh kiểm tốt là 2.062 em chiếm 93%, hạnh kiểm khá là 140 em chiếm 5,4%, hạnh kiểm trung bình là 14 em chiếm 0,5%. Các trường học trên địa bàn xã thực hiện tốt công tác khai giảng năm học mới 2020-2021 kết hợp với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và bệnh bạch hầu. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã phân công lãnh đạo tham dự lễ khai giảng năm học mới tại các trường, thể hiện sự quan tâm đối với công tác giáo dục. Tổng số học sinh năm học 2020 – 2021 là 2.696 em. Trong đó: nam: 1.373 em, nữ: 1.323em, học sinh là người dân tộc: 486 em, chiếm tỉ lệ 18.02% học sinh trên địa bàn toàn xã… Công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp cũng được quan tâm thực hiện phù hợp với thực tiễn, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và điều kiện học tập của nhân dân. Hiện nay, tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng của xã đã được quan tâm chú trọng, chất lượng giáo dục ngày càng được cải thiện theo chiều hướng tích cực, đáp ứng các tiêu chí về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đây được xem là tiền đề quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cũng như giáo dục mũi nhọn của xã nhà. Cùng với đó, hằng năm, xã chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch đẩy mạnh chất lượng giáo dục đại trà, nâng chất lượng đầu vào, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng và học sinh giỏi các cấp.
Có thể thấy, bề dày truyền thống hiếu học của mảnh đất, con người xã Ea Ning được ươm mầm, bén rễ từ sâu xa trong quá khứ. Cho đến hôm nay, với sự nỗ lực của mỗi học sinh, niềm đam mê cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”, tận tâm, tận lực vì học trò của mỗi thầy, cô giáo khiến cho mạch nguồn truyền thống hiếu học cứ chảy mãi không ngừng.
Có được thành tích đáng tự hào trên là nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Mỗi người con của xã Ea Ning nói chung và tập thể thầy – trò trường THCS Chư Quynh nói riêng luôn nuôi dưỡng ý chí, nghị lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách thi đua lao động, học tập, rèn luyện, cống hiến hết mình; thế hệ sau lại nối tiếp thế hệ trước ghi tên mình lên bảng vàng truyền thống, làm rạng danh quê hương xã nhà.
Ban biên tập